Intel vừa giới thiệu một loại chip mới có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Cụ thể, công ty đang thử nghiệm một con chip mới có khả năng được lập trình để học tập và tiếp thu kiến thức như bộ não con người.
Được đặt tên là chip thử nghiệm Loihi, Intel gọi đó là “chip mô phỏng não người”, với ý nghĩa đề cao khả năng thu nhận kiến thức từ mọi thứ trong môi trường xung quanh. Chip này có thể dùng cho một loạt các ứng dụng đòi hỏi các công nghệ chuyên sâu, nhưng đặc biệt hiệu quả trong công nghiệp tự động hóa và người máy cá nhân.
Michael Mayberry, giám đốc của phòng thí nghiệm Intel, cho biết: “Dự án nghiên cứu thử nghiệm chip Loihi bao gồm các mạch kỹ thuật số có thể bắt chước cơ chế cơ bản của não bộ, giúp tăng tốc hoạt động machine learning cũng như hiệu quả tiêu thụ điện trong khi vẫn không đòi hỏi nhiều năng lực điện toán”.
“Nhờ đó các máy tính có thể tự tổ chức và đưa ra quyết định dựa trên các khuôn mẫu và tổ hợp sẵn có.”
Intel không phải là công ty đầu tiên phát triển phần cứng dành riêng cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Google cũng có các Bộ xử lý Tensor (TPU) dựa trên điện toán đám mây với mục đích tăng tốc quá trình machine learning.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Intel lại hoàn toàn khác khi Loihi được thiết kế để hoạt động và học hỏi trong một phạm vi cục bộ của hệ thống trang bị nó.
Theo hãng này, khả năng tự học cục bộ trên một con chip cũng có những lợi thế độc đáo so với các hệ thống trên mây. Nó có thể kết thúc quy trình học nhanh hơn nhiều do không cần dữ liệu lưu chuyển qua lại giữa chip và server.
Intel cũng không đặt mục tiêu xây dựng các mô hình giống như hầu hết các hệ thống trí tuệ nhân tạo đang có, họ hướng tới một hệ thống hoạt động hiệu quả hơn.
Hiện tại Loihi mới nằm trên nguyên mẫu, nhưng công ty đang dự định bắt tay vào làm việc với các trường đại học và các nhà nghiên cứu khác trong năm tới để phát triển nó.
Theo Mashable