Harris Matzaridis, nhà nghiên cứu thuộc dự án ViolinoDigitale vừa áp dụng thành công kỹ thuật in 3D trong nhân bản một cây đàn Stradivarius có tên Bình Minh Stradivari, một trong những tác phẩm đắt giá và hiếm nhất của gia tộc lừng danh Stradivari thế kỷ 17-18.
Đây là dự án với mục tiêu “phát triển một tiến trình chế tác đặc biệt nhằm tìm hiểu chi tiết cơ chế âm thanh của những nhạc cụ hay nhất”. Kỹ thuật in 3D trong trường hợp này cho phép mọi người có thể thưởng thức một phần “hương vị” của một tuyệt tác cổ điển mà không cần tới nguyên bản. Đây là nghiên cứu giúp các nhà khoa học tiếp cận không chỉ kỹ thuật chế tác mà cả đối với khoa học âm thanh.
Dự án mất 2 năm mới hoàn thành với 40 chi tiết được in riêng biệt, chưa kể một số bộ phận phải làm thủ công. Vật liệu được lựa chọn là sợi gỗ chất lượng cao. Họ phải vượt qua thách thức tái tạo một cây đàn mà không được phá dỡ nó đồng thời phải thể hiện được chất âm tự nhiên, giàu âm sắc và ít “nhựa” nhất có thể.
Dù vẫn còn nhiều hạn chế, sản phẩm có thể coi là thành công với nhiều điểm tương đồng trong chất âm so với nguyên mẫu. Các nhà nghiên cứu dự định sẽ tiếp tục dự án với những nhạc cụ khác.
Nguồn: DigitalTrends